(Thethaovanhoa.vn) - Các đơn hàng đều bị hủy, các cặp sư tử, tỳ hưu mang tạo hình Trung Quốc đã làm xong đều ế. Hơn thế, việc nguồn cầu ngưng đột ngột, cùng với những đôi tay thợ chỉ quen làm mẫu linh vật ngoại khiến làng nghề chạm đá hơn 400 tuổi đứng trước câu hỏi lớn: "Tồn tại hay không tồn tại?"
Những ngày buồn ở làng Xuân Vũ (xã Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình) đã kéo dài cả tháng nay. Tuy nhiên, niềm vui le lói trở lại với họ ngay trong ngày hội tưởng nhớ ông tổ nghề (16/8 Âm lịch) khi họ nhận được những bản vẽ chi tiết linh vật thuần Việt. Quan trọng hơn, qua quan sát ban đầu, những người thợ nơi đây đều khẳng định có thể làm được những linh vật mang họa tiết tinh hoa của cha ông này.
Phạm Mỹ
Những "linh vật ngoại" làm dở bị vứt chỏng chơ ngoài đường.
Hoặc bị xếp xó vĩnh viễn...
Hoặc bày cùng những sư tử Trung Quốc ế trước cửa các xưởng như một kiểu "tiếp thị"
Một vài cặp sư tử Trung Quốc khác bị dồn ra những bãi đất trống, bày cùng chân đèn kiểu Nhật Bản và những bức tượng không đạt.
Tượng Quan âm bạch y, một hiện vật cũng bị Bộ VHTTDL cấm đưa vào di tích từ năm 1996 cũng chịu chung cảnh ngộ
Những người thợ làng chạm Xuân Vũ vẫn cố hoàn thiện cặp tỳ hưu Trung Quốc cho kịp hợp đồng. Tất cả những mẫu sư tử, tỳ hưu đã ký hợp đồng đều được các cơ sở ở đây giảm từ 4-5 triệu đồng song nỗi lo canh cánh có thể bị khách hàng hủy bất cứ lúc nào vẫn thường trực
Trước mắt, các cơ sở ở làng chạm nổi tiếng đã chuyển trọng tâm sang chế tác cấu kiện đá
Dù trong giai đoạn khó khăn, họ vẫn vững tin rằng sẽ vượt qua tao đoạn này như cha ông họ đã đứng vững trước bao biến cố thăng trầm của lịch sử suốt hơn 400 năm qua.
Và làng Xuân Vũ vẫn đợi đến một ngày, khi mẫu linh vật Việt thẩm thấu vào đời sống, ngôi làng lại trở về thập kỷ huy hoàng như 10 năm qua...
Dù trong gần 10 năm vàng son ấy của làng nghề, những hệ lụy họ vô tình tiếp tay cho thị hiếu lệch lạc của công chúng là không hề nhỏ..