Nếu chú ý quan sát thì chúng ta có thể phát hiện thấy rằng trên các bức ảnh cưới, chú rể bao giờ cũng ở bên trái, còn cô dâu bao giờ cũng ở bên phải. Hiện tượng này thường thấy ở Trung Quốc.
Theo cách giải thích của các nhà chuyên môn thì hiện tượng này bắt nguồn từ quan niệm âm dương trong triết học cổ đại Trung Quốc. Ý nghĩa xa xưa nhất của âm dương là chỉ phương hướng của các vật thể trong tương quan với mặt trời. Nếu hướng về mặt trời thì là dương, còn nếu quay lưng về mặt trời thì là âm.
Về sau các nhà tư tưởng cổ đại lại dùng quan niệm này để giải thích hai phương diện đối lập với nhau và tiêu trưởng (giảm bớt và tăng thêm) lẫn nhau ở tất cả các sự vật.
Họ cho rằng mâu thuẫn giữa âm và dương là điều cố hữu trong bản thân các sự vật. Âm và dương thay đổi nhau là quy luật căn bản trong sự phát triển của vũ trụ. Trong hiện thực họ coi những cái gì to, dài hoặc ở bên trên hay ở bên trái là dương. Còn những gì nhỏ, ngắn hoặc ở bên dưới hay ở bên phải thì được coi là âm.
Còn giữa hai giới nam và nữ, nam được coi là dương, nữ được coi là âm. Do đó đã hình
thành tập quán nam ở bên trái nữ ở bên phải.
Nhưng lại có một số nhà chuyên gia cho rằng hiện tượng nằm ở bên trái nữ bên phải có quan hệ tới tục sùng bái các bộ phận sinh dục trong thời cổ đại xa xưa. Trong xã hội thị tộc mẫu hệ, người ta chỉ biết có mẹ mà không biết có bố, thêm vào đó các hoàn cảnh sống khắc nghiệt làm cho tỷ lệ sống còn của trẻ con rất thấp. Vì thế cho nên nữ giới, đặc biệt là đàn bà có khả năng sinh nở thì có địa vị xã hội cao hơn. Do đó trong thần thoại cổ đại có chuyện thủy tổ của nhân loại là nữ thần Nữ Oa đã dùng đất hoàng thổ (đất màu vàng) nặn ra con người. Thời cổ đại cũng coi trọng phía bên phải, phía bên phải là đại diện cho một địa vị cao hơn (thành ngữ "vô xuất kì hữu” : "không ra khỏi bên phải của nó", đã có được dựa theo tư tưởng này). Như vậy giới nữ cũng được đặt ở phía phải, đại biểu cho một địa vị cao quý hơn.